Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Giữ “trái tim” đại ngàn vững nhịp đập (1)

09:57 - Chủ Nhật, 08/10/2023 Lượt xem: 3146 In bài viết

ĐBP - Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,27%, xã biên giới Chà Nưa tự hào là một trong những xã đứng tốp đầu về bảo vệ, phát triển rừng của huyện Nậm Pồ. Rừng chính là “trái tim”, “mạch nguồn sống” mà thiên nhiên ban tặng, nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Chà Nưa trưởng thành. “Rừng và người nương tựa vào nhau” - đó là tâm niệm đã bén rễ, ăn sâu vào tiềm thức người dân Chà Nưa, bởi thế bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm họ đã và đang hàng ngày, hàng giờ giữ cho “trái tim” ấy vững thêm nhịp đập và mãi xanh giữa đại ngàn.

Bài 1: Khi ý Ðảng thuận lòng dân

Những cánh rừng thăm thẳm, xanh ngút ngàn trên địa bàn xã biên giới Chà Nưa được cộng đồng các dân tộc xem như báu vật. Bởi đó là lá chắn bao bọc, chở che người Thái, người Mông trong chiến tranh, bảo vệ họ vượt qua thiên tai, bão lũ khắc nghiệt. Vì thế, việc bảo vệ, giữ lấy sắc xanh của những cánh rừng không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi người dân nơi đây.

Người dân bản Nà Sự (xã Chà Nưa) tham gia mở mới, tu sửa đường tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Sầm Phúc

Ðồng lòng, chung sức mở đường giữ rừng

Từ tờ mờ sáng, khi sương sớm vẫn còn ấp ôm lấy những tán rừng thì tiếng búa tạ đập đá, tiếng cuốc, xẻng leng keng như một “đại công trường” đã đánh thức rừng già còn trong cơn ngái ngủ. Có lẽ tất cả những ai khi chứng kiến cảnh này sẽ nghĩ ngay đây là những công nhân cho một dự án nào đó. Nhưng không, đây là hơn 100 người dân, từ già tới trẻ (đại diện cho hơn 100 nóc nhà người Thái trắng bản Nà Ín, xã Chà Nưa) đang đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm phá đá, mở mới, tu sửa tuyến đường đất độc đạo xuyên qua núi, khe và những con dốc dựng đứng để tuần tra, bảo vệ rừng. Con đường dài khoảng 7km từ trung tâm bản vào tận rừng sâu. Tất cả đều được người dân làm thủ công; họ chia thành nhóm nhỏ, “ai có cuốc dùng cuốc, ai có xẻng dùng xẻng…”, cùng nhau vượt nắng thắng mưa, gánh đá, gạt đất tạo nền đường phẳng phiu. 

Anh Thùng Văn Thánh, Trưởng bản Nà Ín hồ hởi kể: Từ bao đời nay, các thế hệ ông, cha đã luôn gắn bó, yêu rừng, bảo vệ rừng và luôn căn dặn thế hệ trẻ chúng tôi phải giữ lấy rừng như giữ chính cội nguồn của mình. Trước khi mở đường chính quyền bản đã tiến hành họp, mời 100% hộ dân tham gia. Tất cả các hộ đều nhất trí cao, chung một lòng, tự giác mở đường; mỗi ngày làm đường để tiết kiệm thời gian, người dân tự mang theo cơm nắm, muối vừng ăn tại chỗ. Con đường này khi làm xong sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi nương, vận chuyển nông sản, các tổ đi tuần tra, kiểm soát, phòng cháy chữa cháy rừng.

Không chỉ riêng Nà Ín, với lòng quyết tâm, ý chí sắt son trong gìn giữ, bảo vệ “lá phổi xanh” của thiên nhiên; đặc biệt là tinh thần tự lực, tự cường, dùng sức người chinh phục sỏi đá; không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Ðảng và Nhà nước, đến nay 6/6 bản từ Nà Sự, Nà Cang đến Nậm Ðích của miền đất biên viễn Chà Nưa đã mở được gần 50km đường tuần tra, bảo vệ rừng. Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa chia sẻ: “Những con đường này được thiết kế là đường độc đạo, vào từ đâu ra từ đó, men theo bìa rừng, gốc cây để tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ số lượng người ra, vào rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vận chuyển gỗ cũng như lâm sản trái phép. Ðể không làm ảnh hưởng đến thảm thực vật, cây rừng; chúng tôi chỉ đạo Nhân dân không sử dụng máy móc san gạt đất, phá đá mà tất cả đều làm thủ công, sử dụng sức người và phương tiện thô sơ (xà beng, cuốc xẻng…). Mỗi năm hai lần các bản tự họp, thống nhất, tổ chức tu sửa, dọn dẹp vệ sinh, phát cỏ dọc các tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng.

Dưới tán rừng xanh

Khi cơn mưa rừng vừa dứt, men theo con suối Nậm Bai mát lành và những con đường mòn khúc khuỷu, quanh co núi đá do chính tay người dân tự mở, chúng tôi mới có mặt tại khu rừng già, nơi người Thái trắng vùng Ba Chà gọi với cái tên thân thuộc “ngôi nhà chung” của bản mường. Ở đó, vẫn còn những cây cổ thụ mọc thẳng đứng, thân cây to hai người ôm không xuể.

Dẫn chúng tôi len lỏi dưới tán rừng già, ông Tao Văn Vin, bản Cấu dường như thuộc từng con đường, gốc cây, phiến đá ở khu rừng này. Dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Vin vẫn rất rắn rỏi, khỏe khoắn, giọng nói hào sảng đúng chất dân sơn tràng xứ núi. Ông Vin tự hào nói: “Ði sâu vào rừng chỉ vài trăm mét thôi, những cây gỗ quý (dổi, thộ lộ, lát hoa…) đang vươn mình tỏa bóng mát, dù là giữa trưa nắng mùa hè, mặt trời như bị che khuất, bởi bóng cây xanh bao trùm”. Ngày trước, dưới tán rừng có rất nhiều loại cây măng rừng, cây thân thảo vừa làm rau, vừa làm thuốc, vừa làm gia vị cho các món ăn người Thái... Ði rừng, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp những con gà rừng, sóc, các loại chim nhởn nhơ nô đùa như thể vật nuôi trong nhà. Cứ như thế, từ bao đời nay cuộc sống người Thái trắng Chà Nưa luôn dựa vào rừng, được rừng nuôi dưỡng. Vì thế mà họ không bao giờ phá rừng.

Không biết rừng có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên, rừng đã luôn hiện hữu, chở che bản mường. Ông Thùng Văn Bun, bản Nà Ín, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhớ lại: Rừng ở đây linh thiêng lắm! Rừng che chở, mang cái ăn, nước uống cho người dân. Vì thế, hàng năm cứ vào dịp sau tết nguyên đán, người Thái trắng nơi đây lại tổ chức lễ cúng bản - nghi lễ quan trọng nhất trong năm. Lễ cúng nhằm cầu mong các vị thần, trong đó có thần rừng và tổ tiên phù hộ để năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người dân khỏe mạnh, bình an. Ngay từ khi mới lọt lòng, người con Thái trắng đã được ông, cha dạy dỗ, khắc ghi việc phải gìn giữ bảo vệ rừng, chỉ thu hái những nông sản mình trồng được, không chặt phá cây to, cây gỗ quý... Rừng đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ và che chở người Thái trắng vùng Ba Chà suốt những năm chiến tranh đến bây giờ và trở thành “pháo đài” vững chắc, bảo vệ an toàn cho người dân mỗi khi có mưa to, gió lớn, hạn chế xói lở đất và tác hại của bão lũ, mang lại nguồn lợi lớn lao cho cuộc sống của cả cộng đồng.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu//khó vạn lần dân liệu cũng xong” - có sức mạnh của nhân dân là có tất cả. Những con đường mòn, đường đất được tạo nên bởi công sức, mồ hôi và sự gắn bó bền chặt giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Chà Nưa sẽ là động lực để họ “giữ lấy sắc xanh của núi rừng” vẹn nguyên mãi với thời gian.

Bài 2: Giữ sắc xanh núi rừng

Sầm Phúc - Hà Khánh
Bình luận

Tin khác

Back To Top